Viêm gan B là một trong những nguyên nhân chính gây ra viêm gan cấp tính (acute hepatitis), kinh niên (chronic active hepatitis), chai gan (liver cirrhosis) và ung thư gan (liver cancer). Tuy thuốc chích ngừa viêm gan B đã có từ hơn 20 năm qua, bệnh vẫn tiếp tục lan tràn khắp nơi trên thế giới, với tỷ lệ từ 0.1% đến 25% tổng số dân chúng tùy theo địa danh. Hiện nay, trên toàn cầu có ít nhất 2 tỷ người (nghĩa là một trong 3 người) đang mang trên người vi khuẩn viêm gan B và trong số đó có khoảng 400 triệu người đang bị viêm gan B kinh niên và trong số này sẽ có ít nhất 250 ngàn người thiệt mạng mỗi năm.
Điều gì sẽ xảy ra khi
virut viêm gan B xâm nhập vào cơ thể?
Sau khi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan B có thể gây ra những triệu chứng cấp tính. Những triệu chứng này thay đổi nhiều, tùy theo tuổi tác của bệnh nhân khi bị lây bệnh. Bệnh có thể từ rất nhẹ và mơ hồ như những cơn cảm cúm thông thường không đáng kể đến rất nặng phải nhập viện để điều trị.
Khi trẻ em hoặc các bé sơ sinh bị lây bệnh, những triệu chứng thường nhẹ hơn so với người lớn. Tuy nhiên khi bị lây bệnh trong lúc ấu thơ, bệnh sẽ dễ trở thành kinh niên hơn. Ngược lại, những triệu chứng của bệnh viêm gan B cấp tính thường nặng hơn cho những bệnh nhân lớn tuổi. May mắn thay, với một hệ thống miễn nhiễm
“già dặn” hơn, ít nhất 90% những bệnh nhân này sẽ hoàn toàn hết bệnh.
Nói một cách dễ hiểu, nếu “mặt trận” đầu tiên giữa hệ thống miễn nhiễm và vi khuẩn viêm gan càng “khốc liệt” chừng nào, cơ hội “diệt tan quân thù” và khả năng hoàn toàn hết bệnh càng cao chừng nấy. Và, nếu cơ thể quá non nớt hoặc quá già yếu, không đủ sức nhận diện và “gây chiến” với “kẻ thù”, cơ hội để ‘quân xâm lấn” len lỏi vào hàng ngũ quốc gia sẽ rất cao đưa đến bệnh viêm gan B kinh niên.
Tóm lại, triệu chứng, diễn tiến cũng như hậu quả và biến chứng của bệnh viêm gan B sẽ lệ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như tuổi tác và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân cũng như cách thức khi bệnh nhân bị lây
bệnh. Hoạt đồ sau đây tóm tắt quá trình phát triển của bệnh viêm gan B
VIEM GAN B CAP TINHKhi xâm nhập vào cơ thể, vi khuẩn viêm gan B sẽ đi thẳng vào từng tế bào gan để tiếp tục tăng trưởng. Tùy theo cách thức lây bệnh, thời kỳ tiềm phục hoặc ủ bệnh (incubation period) sẽ kéo dài từ 1 đến 4 tháng. Bệnh thường phát triển sớm hơn nếu đùng một lúc cơ thể bị tấn công bởi trăm triệu vi khuẩn viêm gan B, như trong trường hợp nhận máu bị nhiễm trùng.Thông thường bệnh nhân đang khỏe mạnh bỗng dưng cảm thấy mệt mỏi, đau nhức tứ chi, cơ thể khó chịu, hâm hấp sốt. Da bị ngứa hoặc nổi mề đay. Người uể oải, thiếu năng lực, miệng nhạt đắng, buồn nôn, ăn mất ngon. Một số bệnh nhân cảm thấy đau bụng phần trên, dưới xương sườn phải. Một khi da trở nên vàng hoặc nước tiểu trở nên đậm mầu, những triệu chứng đau nhức ban đầu tự nhiên giảm dần một cách nhanh chóng. Bấy giờ bệnh nhân cảm thấy rất khỏe khoắn mặc dù da và mắt trở nên mỗi ngày một vàng hơn. Tình trạng này sẽ kéo dài từ 1 đến 3 tháng.
Ða số các triệu chứng kể trên không cần chữa tự nhiên cũng từ từ biến mất. Trong một số trường hợp hiếm hoi hơn, bệnh có thể kéo dài từ năm này qua tháng nọ, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi kinh niên. Từ 0.1% đến 0.5% bệnh trở thành ác tính (fulminant hepatitis), một trạng thái vô cùng nguy hiểm. 80% bệnh nhân với
bệnh viêm gan ác tính sẽ lìa trần nếu không được ghép gan (liver transplantation). Như viết ở trên, sự tiến triển của bệnh sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của mỗi cá nhân. Một trong 3 trường hợp sau đây sẽ xẩy ra sau khi bị vi khuẩn viêm gan B tấn công:
a) Hoàn toàn lành bệnh: Ðây là một chiến thắng lớn. “Quân xâm lấn” đã hoàn toàn bị hệ thống miễn nhiễm đẩy lui và tiêu diệt. Cuộc đụng độ với vi khuẩn đã giúp cơ thể chúng ta chế tạo ra kháng thể HBsAB. Với “vũ khí” phòng thân này, chúng ta sẽ được miễn nhiễm (immune) suốt đời, và không phải lo lắng gì nữa. Nói một cách khác, chúng ta đã được “tạo hóa” chích ngừa một cách miễn phí.
b) Healthy carrier hoặc “ngủ yên” (dormant state): Trong trường hợp này các vi khuẩn viêm gan B trở nên “ngủ yên”. Chúng tăng trưởng chậm chạp và sống hiền hòa hơn, nên không phá hoại tế bào gan như thuở ban đầu. Mặc dầu cơ thể bệnh nhân vẫn chứa đựng một số vi khuẩn viêm gan B, gan của họ vẫn tiếp tục hoạt động một cách rất bình thường. Thật ra danh từ “ngủ yên” hoặc healthy carrier không được hoàn toàn chính xác. Vì trong một số trường hợp, gan vẫn bị tàn phá từ từ gây ra những biến chứng tương tự như trong trường hợp của viêm gan kinh niên. Khi thử máu, kháng nguyên mặt ngoài HBsAG vẫn tiếp tục dương tính. Nhưng chất ALT và AST không bị tăng cao. Ðây là một trạng thái mà cơ thể người bệnh chỉ có thể kềm hãm sự tăng trưởng và giảm thiểu sức tàn phá của vi khuẩn viêm gan B, chứ chưa đủ khả năng loại bỏ và tiêu diệt chúng.
Tuy nhiên, nhờ vào sự kiểm soát này, vi khuẩn viêm gan B không còn đi xâm lấn và tàn phá lá gan một cách đáng sợ, mà chỉ sống rải rác khắp nơi như những “thành phần bất hợp pháp”. Một khi “ngủ say” chúng có khuynh hướng tiếp tục nằm yên không phá phách gây tai hại đến lá gan. Trong một số trường hợp đặc biệt, vi khuẩn viêm gan B đang ngủ yên tự nhiên nổi dậy và đánh phá tế bào gan trở lại (reactivation). May mắn thay, điều này hiếm khi xẩy ra, thường với tỷ lệ dưới 1% mỗi năm.
c) Viêm gan kinh niên: Thông thường phân hóa tố ALT và AST sẽ tăng rất cao trong thời gian viêm gan cấp tính. Các chất hóa học này sẽ từ từ giảm dần và trở lại bình thường trong một thời gian từ 1 đến 4 tháng. Nếu sự bất bình thường của chất ALT/AST kéo dài hơn 6 tháng, bệnh đã bước qua giai đoạn nguy hiểm hơn: viêm gan kinh niên. Khoảng 5% bệnh nhân người lớn, 30% bệnh nhân trẻ em từ 1 đến 5 tuổi và 90% bé sơ sinh lây bệnh khi mới ra đời sẽ nằm trong trường hợp này.
VIÊM GAN B KINH NIÊN (Chronic Active Hepatitis B)
1) AI SẼ BỊ VIÊM GAN B KINH NIÊN?
Số phận của người bị viêm gan B sẽ được định đoạt bởi mối tương quan giữa sự tăng trưởng của vi khuẩn và sự chống trả của hệ thống miễn nhiễm. Thông thường khi một vật lạ xâm nhập vào cơ thể chúng ta, hệ thống miễn nhiễm sẽ được báo động. Cơ thể sẽ chế tạo ra kháng sinh và huy động cả một hệ thống dây truyền hầu loại bỏ hoặc tiêu diệt vật lạ đó một cách nhanh chóng. Nói một cách dễ hiểu, khi vi khuẩn viêm gan B xâm nhập vào cơ thể chúng ta, một “Hội Nghị Diên Hồng” lại diễn ra với: “Toàn dân nghe chăng? Sơn Hà nguy biến! Nên hòa hay chiến?” Nếu toàn dân đồng lòng: “Chiến!”, cơ thể sẽ “động viên” và cuộc chiến bắt đầu. Tuy nhiên, nếu ý dân chỉ muốn cầu “Hòa” thì cơ thể sẽ tiếp tục “ngủ yên” để mặc cho quân xâm lấn muốn làm gì thì làm.
Trong trường hợp này, vì một lý do chưa được rõ, vi khuẩn viêm gan B có thể tăng trưởng một cách nhanh chóng trong những tế bào gan, mà hệ thống miễn nhiễm của người bệnh vẫn không hề hay biết. Càng trẻ tuổi chừng nào, sự khoan dung miễn dịch (immune tolerance) với vi khuẩn viêm gan B càng ‘bao la” chừng nấy.
Tóm lại, bệnh nhân càng trẻ tuổi chừng nào, cơ thể càng suy nhược trước sự xâm nhập của vi khuẩn viêm gan B chừng đó, và vì thế, càng dễ bị viêm gan B kinh niên. Theo một thống kê gần đây, tại một số nước Á Châu như Việt Nam và Ðài Loan, gần 90% trẻ em dưới 5 tuổi và khoảng 80% bệnh nhân dưới 20 tuổi đã và đang bị viêm gan B kinh niên. May mắn thay, không phải ai bị viêm gan B kinh niên cũng sẽ bị xơ (liver fibrosis) và chai gan (liver cirrhosis).
2)
DẤU HIỆU VIÊM GAN B KINH NIÊN
Trong giai đoạn đầu tiên của bệnh viêm gan B kinh niên, bệnh nhân thường không có bất cứ một triệu chứng nào đáng kể. Ðây là thời gian mà vi khuẩn viêm gan B đang củng cố địa vị trong một môi trường mới, chứ chưa trực tiếp tàn phá cơ thể của “khổ chủ”. Chúng thường chỉ dùng các tế bào gan như những phương tiện và công cụ để tiếp tục tăng trưởng. Vì thế, chỉ sau một thời gian ngắn, cơ thể bệnh nhân bắt đầu chứa đựng hằng tỷ vi khuẩn viêm gan B. Tuy thế, họ vẫn hoàn toàn chưa có bất cứ một triệu chứng nào, hoặc nếu có cũng chỉ rất mơ hồ.Nếu thử máu, chất ALT vẫn hoàn toàn bình thường. Ngay cả khi khám nghiệm dưới kính hiển vi, những tế bào gan cũng không hề có dấu hiệu bị viêm đỏ hoặc tổn thương. Sự “nhu mì” và phong cách khoan dung của hệ thống miễn nhiễm trong thời gian này đã tạo cho vi khuẩn viêm gan B một cơ hội tăng trưởng ngày một nhiều hơn. Thời gian tự ấn (replicative phase) này tiếp tục kéo dài chuẩn bị cho những cuộc tàn phá lá gan trong những năm tháng sắp tới.Thông thường, sau một thời gian từ 15 đến 35 năm, bệnh mới bước qua một giai đoạn mới khi hệ thống miễn nhiễm bỗng dưng “qua cơn mê” và “tỉnh giấc mộng”. Người ta cho rằng, có lẽ vi khuẩn viêm gan B đã lan tràn khắp nơi và trở nên “ồn ào” hơn, gây “chú ý” đến hệ thống miễn nhiễm. Ðiều này đưa đến những cuộc “tổng động viên” toàn diện tiếp nối bởi những cuộc tấn công ồ ạt đến các tế bào gan nhiễm khuẩn (exacerbations).
Các tế bào này bị dung giải và tiêu hủy hàng loạt (bởi hệ thống miễn nhiễm của bệnh nhân), khiến phân hóa tố ALT (cũng như chất AlphaFetoProtein và HBcAb-IgM) tăng cao một cách nhanh chóng. Sự “thức tỉnh” miễn dịch này tuy hơi muộn nhưng vẫn mang lại một số thắng lợi đáng kể. Mỗi năm, nhờ vào đó, từ 10 đến 20% bệnh nhân có thể chặn đứng được sự tăng trưởng của vi khuẩn viêm gan B (HBeAg seroconversion). Ngay cả trong những thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” này, đa số bệnh nhân vẫn không có một triệu chứng nào. Chỉ một số ít người có thể bị nóng sốt sơ sài hoặc có một vài triệu chứng điển hình của viêm gan cấp tính.
Ngoài những triệu chứng, như vàng da, buồn nôn, mệt mỏi,
chan an và đau bụng lâm râm, vi khuẩn viêm gan B cũng có thể gây ra một số triệu chứng gây ra từ những phức thể miễn nhiễm (immune complexes). Họ có thể bị sốt nóng nhẹ, nổi ngứa, đau nhức mình và khớp xương, hoặc viêm những tĩnh mạch nhỏ đưa đến đau đớn, bệnh tật với nhiều hệ thống và cơ quan khác nhau như tim, phổi, thận, hệ thống tiêu hóa, thần kinh và các bắp thịt. May mắn thay, những trường hợp này ít khi xẩy ra.
Tiếc thay, không phải cuộc “phản công” nào cũng đưa đến những thắng lợi vẻ vang như ý muốn. Cửa nhà tan nát, mà giặc vẫn tứ phương. Vì thế, cơ thể tiếp tục “thua keo này, bày keo khác”. Rồi thời gian qua đi, “càng đánh, càng thua”, lá gan từ từ bị tiêu hủy (necroinflammation) mỗi ngày một nhiều hơn. Trong một số trường hợp, chính những cuộc “khai chiến” này đã tàn phá tế bào gan một cách quá nhanh chóng khiến chức năng của gan trở nên kiệt quệ (decompensation). Bệnh nhân có thể thiệt mạng nếu không được chữa trị kịp thời.
Khi bệnh kéo dài lâu năm, gan sẽ bị chai và nguy cơ ung thư gan tăng nhanh. Sau đây là sự nhận xét về mối liên quan giữa ung thư gan với số tuổi của người bệnh
viêm gan siêu vi B tại Ðài Loan. Càng lớn tuổi chừng nào, nguy cơ bị ung thư gan càng cao chừng đó.
Số Tuổi của Bệnh Nhân
Viêm Gan B Nguy Cơ bị Ung Thư Gan của 100,000 người mỗi năm
20 – 29 tuổi 0
30 – 39 tuổi 122
40 – 49 tuổi 274
50 – 59 tuổi 854
60 – 69 tuổi 1331
Dựa trên bản thống kê ở trên, cứ trong 100,000 bệnh nhân viêm gan B ở lứa tuổi 50 đến 59, sẽ có khoảng 854 người bị ung thư gan. Con số này tăng lên 1331 người, nếu họ nằm trong lứa tuổi 60 đến 69.
Tóm lại, bệnh viêm gan B có thể đến một cách âm thầm và ra đi một cách lặng lẽ, nên đa số bệnh nhân bị bệnh mà không hề hay biết. Tuy đa số bệnh nhân viêm gan B không cần chữa trị tự nhiên cũng hết bệnh, khoảng 10 đến 20% bệnh nhân viêm gan B kinh niên, nếu không được chữa trị hẳn hoi sẽ bị chai hoặc ung thư gan trong một thời gian từ 20 đến 30 năm sau khi bị lây bệnh. Ðiều này, một lần nữa nhấn mạnh tầm vóc quan trọng trong việc truy tầm bệnh viêm gan B