Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Viêm gan siêu vi C mạn là gì, biểu hiện ra sao?

Bệnh gan siêu vi C mạn là gì, biểu hiện ra sao?
Nhiều người, sau đợt nhiễm trùng đầu tiên, bệnh vẫn kéo dài, siêu vi vẫn còn hiện diện trong cơ thể, được gọi là viêm gan siêu vi C mạn tính. Lưu ý là trong viêm gan siêu vi C, tỷ lệ bệnh chuyển sang mạn tính lên đến 75-85%
Viêm gan siêu vi C mạn gây nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, với tỷ lệ xơ gan lên đến 20%, ung thư gan khoảng 5%. Ngoài xơ gan và ung thư gan, bệnh nhân có thể tử vong vì suy gan cấp. Với khoảng 170 triệu người trên toàn thế giới nhiễm bệnh viêm gan siêu vi C, số lượng người tử vong hàng năm liên quan đến bệnh viêm gan siêu vi C là 350.000 người. Một con số không hề nhỏ!
Nhiều trường hợp, viêm gan siêu vi C mạn không có triệu chứng người bệnh không biết là đã bị nhiễm bệnh, có khi sau nhiễm bệnh 30 năm, triệu chứng mới biểu hiện. Tổn thương gan vẫn diễn ra trong giai đoạn này
Khi người bệnh viêm gan C mạn có dấu hiệu, các dấu chứng tương tự như viêm gan C cấp. Nhưng lúc đó, bệnh đã tiến triển nặng rồi, tỷ lệ tử vong cao, tỷ lệ chữa lành bệnh rất thấp
Như vậy, vấn đề tầm soát để phát hiện bệnh sớm là cực kỳ quan trọng
Làm thế nào phát hiện bệnh viêm gan C?
Câu trả lời là: trước hết, phải xét nghiệm AntiHCV trong máu. Nếu AntiHCV dương tính, phải tiến hành định lượng siêu vi (HCV-RNA Định lượng) nhằm xác định chính xác số lượng siêu vi. Sau khi xác định số lượng siêu vi, chúng ta cần phải xác định kiểu gen. Có 6 kiểu gen chính: 1, 2, 3, 4, 5, 6
Kiểu gen giúp tiên lượng đáp ứng điều trị. Có một số kiểu gen dễ điều trị hơn, ví dụ: kiểu gen 2 và 3 dễ điều trị hơn 1 và 6. Các quốc gia khác nhau có kiểu gen khác nhau. Ở Việt Nam thường gặp 1 và 6, ít hơn là kiểu gen 2
Một vấn đề cần lưu ý là thời điểm làm xét nghiệm. AntiHCV sẽ dương tính sau 4-10 tuần tiếp xúc nguồn bệnh, sau tiếp xúc 6 tháng, tỷ lệ AntiHCV dương là >97%. Điều này có nghĩa là làm AntiHCV một lần không có giá trị xác định là đã nhiễm bệnh hay chưa.
HCV-RNA dương tính trong máu sau 2-3 tuần nhiễm bệnh, như vậy HCV-RNA được xét nghiệm sớm nếu nghi nhiễm bệnh
Làm thế nào để tránh lây lan cho người khác?
Khi đã nhiễm bệnh, ngoài việc phải đến khám bệnh đúng bác sĩ chuyên khoa Gan, người bệnh cần nên lưu ý tránh lây lan cho người khác. Ví dụ: quan hệ tình dục an toàn, vì xuất độ lây qua đường tình dục thấp, nhưng VẪN CÓ. Không dùng chung vật dụng cá nhân như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, máy thử đường huyết vì có thể lây bệnh cho người khác. Nếu có vết cắt hay bị phỏng: phải dùng băng keo cá nhân. Không hiến máu, nội tạng, mô, hoặc tinh trùng vì sẽ lây nhiễm bệnh cho người khác
Điều cần lưu ý là bệnh viêm gan siêu vi C không lây qua hắt hơi, ho, sổ mũi, ôm hôn, bắt tay, hoặc ăn chung mâm. Như vậy, người bệnh hoàn toàn yên tâm, thoải mái vui sống cùng người thân trong gia đình, có thể nâng niu, ẳm bồng con cháu mà không sợ lây truyền bệnh.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét