GS-TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, giải thích: “Việc tiêm vắc xin virut viêm gan B trong 24 giờ đầu là bảo đảm cho lịch tiêm chủng ổn định, hoàn chỉnh. Bộ Y tế cũng không đưa ra lịch này mà WHO khuyến cáo cần phải tiêm như vậy”.
Khi được hỏi ai sẽ phải chịu trách nhiệm nếu 3 trẻ tử vong ở Quảng Trị là do tiêm nhầm thuốc, ông Huấn nói ngay: Việc xử lý trách nhiệm từng người liên quan đã được quy định rõ tại điều 30 của luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm. Theo đó, trong trường hợp này, nếu như trẻ tử vong do vắc xin thì nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm, nếu quy trình tiêm chủng do nhầm thuốc thì bản thân những người trực tiếp tiêm chủng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho gia đình.
Ngoài ra, theo ông Huấn, luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm cũng đã quy định rõ trách nhiệm của các cấp liên quan, như Chính phủ phải chịu trách nhiệm cung cấp nguồn ngân sách đủ cho công tác tiêm chủng. Bộ trưởng Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về tất cả vắc xin sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng, cũng như chịu trách nhiệm về tổ chức tư vấn, triển khai hoạt động tiêm chủng cho địa phương. Trách nhiệm thứ ba là trách nhiệm chủ tịch UBND tỉnh phải chỉ đạo cụ thể triển khai hoạt động tiêm chủng tại địa phương. “Hoàn toàn các hoạt động này do chủ tịch UBND tỉnh, hay nói cách khác là chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm”, ông Huấn nói.
Liên quan đến thông tin nhiều bệnh viện, cơ sở y tế bắt người nhà phải ký vào giấy tự chịu trách nhiệm nếu có sự cố khi đưa trẻ đi tiêm vắc xin, Trưởng ban Quản lý dự án tiêm chủng mở rộng, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư Nguyễn Trần Hiển, khẳng định: “Như vậy là không đúng quy định của Bộ Y tế”.
“Tại điểm tiêm chủng, cán bộ y tế phải ký cam kết thực hiện đúng quy trình tiêm chủng của Bộ Y tế, cái này cần phải thực hiện nghiêm túc. Còn những điểm tiêm chủng bắt người dân ký cam kết thì sẽ phải dừng vì thực hiện không đúng Thông tư 23 của Bộ Y tế”, GS Trịnh Quân Huấn nhấn mạnh thêm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét