Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới có khoảng 2 tỷ người nhiễm vi rút viêm gan B và 200 triệu người nhiễm vi rút viêm gan C.
Còn ở Việt Nam, theo Thứ trướng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, nước 1 trong 9 quốc gia vùng Tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với dịch viêm gan vi rút với tỷ lệ người nhiễm cao. Ước tính có từ 10-20% dân số (khoảng từ 12-16 triệu người) nhiễm vi rút viêm gan B, trong đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan mãn tính, xơ gan hoặc ung thư gan.
Riêng đối với viêm gan C, hiện chưa có vắc xin tiêm phòng nên tình trạng lây nhiễm có nguy cơ ngày càng tăng.
Hiện đã có 7 loại thuốc điều trị bệnh viêm gan vi rút và kết quả điều trị tốt đạt khoảng 80%. Tuy nhiên, bệnh thường phải điều trị kéo dài hàng năm với chi phí cao (từ 3,5-4 triệu đồng/tháng)...
Theo Tiến sỹ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, cách dự phòng bệnh có hiệu quả nhất hiện nay đối với bệnh viêm gan B là tiêm phòng bằng vắ cxin viem gan B cho trẻ sơ sinh và những người có yếu tố nguy cơ cao (nhân viên y tế, nhân viên làm việc trong cơ sở cai nghiện ma túy…).
Đối với bệnh viêm gan C, do hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh, nên các biện pháp phòng ngừa chủ yếu là: Ngăn chặn sự lây lan của siêu vi theo đường máu hoặc tiếp xúc với da niêm như không chích ma túy, không dùng chung kim và ống tiêm hoặc các dụng cụ dùng ma túy khác, không dùng chung các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, kìm cắt móng tay; tránh sinh hoạt tình dục không an toàn...
Trong năm 2012, Hội Gan mật Việt Nam lần đầu tiên phát động phong trào toàn dân chung tay "đánh gục" vi rút viêm gan trong cả nước. Sau 1 năm phát động, phong trào đã bước đầu đạt được một số kết quả như: khám và xét nghiệm cho hơn 3 triệu người; phát hiện gần 148.000 người nhiễm vi rút viêm gan B, hơn 19.000 người nhiễm vi rút viêm gan C và 3.507 người bị ung thư gan.