Nên chích ngừa VAT để ngừa bệnh uốn ván sơ sinh. Uốn ván có tỷ lệ tử vong rất cao, đặc biệt là uốn ván sơ sinh, lên đến 95%. Đáng ngại là vi khuẩn uốn ván có ở khắp nơi, từ tường rào sắt rỉ, đinh sét, cống rãnh, chuồng trại… Dụng cụ phẫu thuật tiệt trùng không kỹ cũng có thể làm vết thương nhiễm trùng, dẫn tới sốt uốn ván.
Theo TS-BS Cao Hữu Nghĩa - Trưởng khoa Sinh học lâm sàng, Viện Pasteur TP.HCM, khi mang thai vào quý II (tháng thứ tư đến thứ sáu của thai kỳ), thai phụ cần chích ngừa uốn ván hai lần, mỗi lần cách nhau một tháng. Vắc-xin có khả năng bảo vệ 5 năm nên trong vòng 5 năm sau, nếu có thai tiếp, sẽ chích nhắc một mũi, sau 5 năm chích hai mũi.
Mẹ nhiễm cúm trong ba tháng mang thai đầu có thể sinh con dị tật, đây là bệnh thai phụ dễ mắc, đặc biệt là trong mùa cúm. Việc chích ngừa cúm có an toàn khi đang mang thai? TS-BS Lê Thị Thu Hà - BV Từ Dũ TP.HCM tư vấn: "Việc chích ngừa cúm hoàn toàn an toàn trong thai kỳ. Lưu ý, không được chích cho những thai phụ dị ứng với trứng (vì trong thành phần của thuốc có chứa protein từ trứng).
Vắc-xin cúm dạng tiêm được chế tạo từ virus cúm bất hoạt, vì vậy an toàn cho mẹ và bé, kể cả trong ba tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên, vắc xin cúm dạng khí dung (xịt vào mũi) được chế tạo từ virus sống thì không nên dùng cho thai phụ. Nếu người mẹ được chích ngừa cúm khi mang thai, kháng thể sẽ qua nhau đến thai nhi và bảo vệ bé khỏi bị cúm trong sáu tháng đầu đời.
Chích ngừa trước khi mang thai
Có nhiều vắc-xin chống chỉ định chích khi mang thai, vì thế chị em không nên đợi đến khi mang thai mới chích ngừa bệnh.
- Nếu nhiễm rubella khi mang thai, dị tật bẩm sinh lên đến trên 50% đặc biệt là nhiễm bệnh trong những tháng đầu. Phụ nữ mang thai bị mắc bệnh thủy đậu có nguy cơ cao sinh thai dị tật, thiếu cân, thai chết lưu, sẩy thai hoặc sinh non. Mắc bệnh thủy đậu lúc chuẩn bị sinh, thai nhi có thể bị bệnh da bẩm sinh.
BS Nguyễn Công Viên - Phòng khám Quốc tế Alain Carpentier TP.HCM khuyến cáo: "Vắc-xin sống chống chỉ định chích khi mang thai gồm: thủy đậu và quai bị, sởi, rubella. Do đó, trước khi có thai, cần chích hai liều cách nhau hai tháng và chích trước khi mang thai ít nhất là một tháng. Đây là vắc-xin chích một lần bảo vệ cả đời".
- Viêm gan siêu vi A và siêu vi B có thể gây ra tình trạng viêm gan cấp cho người mẹ. Viêm gan do siêu vi B có phần nguy hiểm hơn, vì có thể diễn tiến thành viêm gan siêu vi mãn tính, xơ gan, ung thư gan. Viêm gan siêu vi A chủ yếu lây truyền qua đường tiêu hóa. Viem gan B lây truyền qua đường máu, quan hệ tình dục và mẹ truyền cho con khi sinh.
Do đó, nếu xét nghiệm máu có kết quả chưa nhiễm viêm gan A, B thì nên chích ngừa. BS Nguyễn Hữu Trung - Phòng khám Hoàng Gia Eva TP.HCM cho biết: "Sau khi chích ngừa đủ liều, khoảng một tháng sau mũi cuối có thể mang thai. Lúc này kháng thể đã đủ sức bảo vệ. Tuy nhiên, nếu lỡ "dính bầu" ngay sau khi chích ngừa xong, vẫn dưỡng thai được".
Trong trường hợp thai phụ đang bị viêm gan B, làm thế nào để con không bị nhiễm bệnh từ mẹ? BS Nguyễn Thế Hùng - Bệnh viện An Sinh TP.HCM cho biết: "Thai phụ nên sinh con ở bệnh viện có thuốc chích ngừa đầy đủ để chích cho bé. Trong vòng 24 giờ, tốt nhất là 12 giờ sau sinh, cần chích vắc-xin ngừa viêm gan B và chích huyết thanh miễn dịch chống viêm gan B, giúp bé không nhiễm bệnh từ mẹ, hiệu quả bảo vệ đến 95%".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét