Nếu trong tháng 6, tỷ lệ trẻ được tiêm trong toàn tỉnh đạt 96,8%, tháng 7 giảm xuống 63,5% và đến tháng 8 giảm còn 10,8%. Đặc biệt, trong tháng 8 có 7 Bệnh viện Đa khoa trong toàn tỉnh không triển khai tiêm là: Lương Sơn, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy, Cao Phong, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP. Hòa Bình. 4 bệnh viện còn lại tỷ lệ tiêm rất thấp. Duy nhất chỉ có Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc duy trì kết quả tiêm đảm bảo tiến độ chương trình.
Đồng chí Lương Văn Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đà Bắc cho biết: Sau vụ việc ở Quảng Trị, Bệnh viện quan tâm hơn đến quy trình tiêm chủng như: bảo quản vắcxin, tư vấn, khám sàng lọc, tiến hành tiêm, theo dõi sau tiêm... Sau khi tiêm, Bệnh viện lưu lọ vắcxin đã tiêm có ghi đầy đủ tên sản phụ của trẻ được tiêm trong vòng 3 ngày. Mọi khâu trong tiêm chủng đều tuân thủ chặt chẽ, nghiêm ngặt các quy trình của Bộ Y tế và không có trường hợp nào sau tiêm bị phản ứng nặng. Tuy nhiên, việc tuyên truyền, giải thích cho gia đình không hề dễ dàng. Bản thân cán bộ tiêm tâm lý cũng khá nặng nề. Song vì tương lai của trẻ, công tác tiêm chủng vẫn được duy trì. Tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B sơ sinh tại Bệnh viện có giảm nhưng không quá thấp hoặc không tiêm như các đơn vị khác. Trong tháng 8, Bệnh viện đã tiêm được cho 54% trẻ sơ sinh.
Để đảm bảo tiến độ chương trình TCMR đặt ra và kết quả phòng bệnh benh gan B cho trẻ trong vòng 24h sau sinh, Trung tâm YTDP tỉnh vừa có Công văn số 747 ngày 13/9 đề nghị các đơn vị triển khai công tác tiêm vắc xin theo đúng yêu cầu tại Công văn số 864 ngày 1/8 của Sở Y tế về việc tiếp tục tiêm loại vắc xin này. Trước đó ngày 7/8, Trung tâm YTDP tỉnh có Công văn số 613 về việc tạm ngừng sử dụng 2 lô vắc xin viêm gan B trong dự án TCMR là lô số: V-GB020812E và V-GB030812E, hạn dùng tháng 7/2015, số đăng ký QLVX-0376-11 do Công ty MTV Vắc xin và sinh phẩm y tế số 1 (Vabiotech) sản xuất. Như vậy các lô sản xuất khác vẫn được sử dụng bình thường.
Viêm gan B là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút viêm gan B gây ra. Việt Nam là nước thuộc vùng có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B cao. Nếu trẻ sơ sinh bị lây nhiễm vi rút viêm gan B từ mẹ sẽ có nguy cơ trở thành bệnh mạn tính 90% và khoảng 25% trong số đó sẽ có nguy cơ bị ung thư gan, xơ gan. Cho đến nay, chưa có thuốc đặc hiệu điều trị viêm gan B. Do đó, tiêm vắcxin viêm gan B trong vòng 24 h đầu sau sinh là cách tốt nhất để phòng lây truyền bệnh gan B từ mẹ sang con với tỷ lệ đạt từ 80 - 95%. Nếu tiêm muộn, việc phòng lây truyền sẽ ít hiệu quả. Tại tỉnh ta, công tác TCMR được triển khai 25 năm qua đã khẳng định được hiệu quả phòng bệnh, một số bệnh đã được thanh toán, loại trừ như bại liệt, uốn ván sơ sinh. Vì những lợi ích mà vắcxin đem lại, việc tiêm vắcxin viêm gan B cho trẻ vẫn được tiến hành trên toàn quốc. Nếu tiêm tốt, nước ta sẽ giảm được bệnh này và tiến tới loại trừ được như một số bệnh khác. Theo nhiều chuyên gia y tế, các gia đình nên tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng các vắcxin trong chương trình TCMR để bảo vệ trẻ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét