Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Phòng ngừa bệnh viêm gan vi-rút C ở nhóm dân số có nguy cơ cao

Sáng ngày 9-8, tại Hà Nội, tập đoàn Merck Sharp & Dohme (MSD) trao 650 nghìn USD tài trợ cho Tổ chức Dịch vụ Dân số Quốc tế (PSI) thực hiện dự án: “Tăng cường những biện pháp phòng ngừa bệnh viêm gan vi-rút C ở nhóm dân số có nguy cơ cao tại Việt Nam”.
Các hoạt động được thực hiện nhằm ngăn chặn lây nhiễm vi-rút viêm gan C (HCV) như tuyên truyền, tư vấn và khuyến khích thay đổi thói quen cần thiết để ngăn chặn HCV cho nhóm người nguy cơ cao và chưa được chăm sóc đầy đủ. Cách hiệu quả nhất để giảm thiểu lây truyền HCV tại Việt Nam là cung cấp dụng cụ tiêm chích vô trùng cho những nhóm người có nguy cơ cao, đồng thời thực hiện việc tuyên truyền để thay đổi thói quen, nhằm thúc đẩy giảm thiểu việc sử dụng chung dụng cụ tiêm chích.
Bệnh viêm gan do vi-rút được coi như là một “đại dịch thầm lặng” bởi vì hầu hết người bệnh đều không nhận ra rằng họ đang bị nhiễm bệnh và qua thời gian, nó tiến triển chậm chạp gây ra các bệnh về gan. Nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam đã nhận ra mức độ ảnh hưởng của căn bệnh này và đang tìm cách đối phó với nó.
Nhân Ngày phòng, chống viêm gan thế giới (28-7) vừa qua, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước cần có các biện pháp và hành động để chống lại năm loại vi-rút có thể gây ra viêm gan nghiêm trọng và khiến 1,4 triệu người chết mỗi năm. Trong đó, đáng chú ý nhất là loại vi-rút viem gan B và viêm gan C, có thể dẫn đến những căn bệnh hiểm nghèo và mãn tính như ung thư gan và xơ gan; đồng thời gây tốn kém tiền bạc rất lớn cho hàng trăm triệu người trên thế giới vì phải trả những khoản chi phí y tế cao.
WHO ước tính có khoảng 3% số dân số thế giới (khoảng 180 triệu người) nhiễm vi-rút HCV mãn tính. Mỗi năm, có thêm ba, bốn triệu người bị nhiễm bệnh. Ở khu vực Đông Nam Á, WHO ước tính có khoảng 32,3 triệu người đang sống chung với HCV.
Tuy có ít các nghiên cứu dịch tễ học về tỷ lệ đồng nhiễm HIV và HCV tại châu Á, nhưng ước tính tỷ lệ đồng nhiễm HCV trong số những người tiêm chính ma túy sống chung với HIV/AIDS là từ 60% đến 90%. Tình trạng đồng nhiễm HIV-HCV gây phức tạp và làm tăng chi phí quản lý tỷ lệ nhiễm bệnh và làm giảm đáng kể chất lượng cuộc sống và kết quả điều trị.
Ở Việt Nam, có từ 26,3% đến 98,5% những người tiêm chính ma túy (tỷ lệ trung bình ước tính khoảng 46%) đang sống với HCV, với tỷ lệ nhiễm HCV cao hơn trong số những người nhiễm HIV. Trong khi những người sử dụng ma túy có nguy cơ nhiễm HCV cao hơn, họ cũng là một trong những nhóm người có khả năng truyền nhiễm HIV cao nhất.
Bà Josselyn Neukom đại diện tổ chức PSI đánh giá: Tỷ lệ nhiễm HCV tại Việt Nam khá cao so với các nước khác trong khu vực, vì thế mà các hoạt động của dự án ưu tiên cho những người có nguy cơ mắc bệnh thực hiện được thói quen ngăn ngừa bệnh thông qua việc phát triển hướng tiếp cận thông tin và các dịch vụ phòng ngừa HCV.
Ông Jan Van Acker, Trưởng Văn phòng đại diện MSD tại Việt Nam nhận định: Việc kết hợp với PSI thực hiện dự án này sẽ góp phần vào việc ngăn ngừa vi-rút HCV tại Việt Nam, mang đến những phương pháp phòng ngừa hiệu quả, giúp giảm gánh nặng điều trị cho người bệnh viêm gan vi-rút C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét